Tên gọi và nguyên mẫu Tây Vương Mẫu

Tây Vương Mẫu qua các đời có rất nhiều tên gọi, ngoài những tên gọi qua các nước đồng văn Đông Á, bà được nhiều triều đại về sau sắc phong.

Bà được đề cập lần đầu tiên là từ giáp cốt văn thời nhà Thương. Khi ấy, người ta mô tả bà là một vị thần ngự trị ở phương Tây, gọi là Tây mẫu (西母). Không rõ nguyên hình thực sự tạo nên hình ảnh của bà, nhưng vào lúc đó hình tượng của bà tương đối lớn và rất được tôn kính. Bấy giờ, có thể xem bà là nữ thần tối cổ xưa nhất từng hiện diện và thờ cúng có quy mô. Trong quyển Sơn hải kinh thời nhà Chu, bà được mô tả với hình thù kì quái với răng nanh của hổ, là một nữ thần nửa người nửa thú, tính khí dữ tợn thường gây bệnh dịch, nên đương thời còn gọi bà là Yêu mẫu (妖母).

Tây Vương Mẫu trong Sơn hải kinh.

《Sơn Hải Kinh - Tây Sơn kinh》: "Núi Doanh Mẫu cách phía Tây 350 dặm, gọi là Ngọc Sơn, tương truyền là nơi ở của Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu kì trạng như người, nhưng có đuôi báo, răng hổ, có đeo trăng sức trên bồng tóc. Bà có tính nghiêm khắc và tàn ác"[2]. Quách Phác chú: "Chủ quản nghiêm trang trên trời và năm hình phạt tàn hại"[3].

.

《Sơn Hải Kinh - Hải Nội Bắc kinh》: "Tây Vương Mẫu lấy đầu chim đái thắng cài lên tóc, ăn chim Tam Thanh để sống"[4].

.

《Sơn Hải Kinh - Đại Mạc Tây kinh》: "Phía Nam của Tây hải, bên cạnh bãi Lưu sa, đằng sau Xích thủy, phía trước Hắc thủy, có một ngọn núi lớn. Ở trong có thần nhân mình hổ, có vằn và đuôi, tất cả đều trắng, ngự tại núi ấy. Bên dưới có một vực xoáy sâu, bên ngoài lại có một ngọn núi rực lửa, có một người đeo đầu chim đái thắng, răng hổ, đuôi báo, ở trong hang, gọi là Tây Vương Mẫu"[5].

Về sau, bà dần dần được du nhập vào Đạo giáo, trở thành một nữ thần hiền hòa và là biểu tượng của trường sinh bất tử. Học giả Trang Tử mô tả trong quyển sách cùng tên như thể bà là một vị nữ thần tối cao, không ai biết bà đến từ đâu, không ai biết bà đi khi nào. Cũng theo Trang Tử, bà tọa tại một ngọn núi linh thiêng ở phía Tây là Côn Luân, có sự liên kết với mô tả từ thời Thương là một vị thần ở hướng Tây.

Cung vàng điện ngọc ẩn trong núi Côn Lôn của Tây Vương Mẫu, tranh vẽ vào thời nhà Minh.

Vào thời nhà Đường, thời kỳ nở rộ của thi ca, hình tượng Tây Vương Mẫu trở nên cực kỳ phổ biến. Những bài thơ về bà có thể tìm thấy trong Toàn Đường thi, một tuyển tập thi ca thơ Đường. Sau khi nhà Đường sụp đổ, thời Ngũ đại thập quốc, Đỗ Quang Đình, với Dung Thành tập tiên lục (墉城集仙錄), là người sớm nhất viết tổng hợp những truyện kí về Tây Vương Mẫu, thường được xem là người soạn thảo hoàn bị nhất về nhận thức của người đời Đường đối với Tây Vương Mẫu. Theo ghi chép của Đỗ Quang Đình, Tây Vương Mẫu đã giúp Lão Tử làm ra cuốn Đạo Đức Kinh. Vào năm thứ 25 của Chu Chiêu vương, Lão Tử đi chu du thiên hạ, gặp Tây Vương Mẫu và được bà trao cho cuốn sách này. Truyền thuyết này là một đặc thù của phái Thượng Thanh (上清), một phân nhánh của Đạo giáo mà ở đó Đỗ Quang Đình được xem là người khởi đầu. Ngoài ra, trong vài bài thơ thời Đường cũng mô tả việc gặp gỡ giữa Tây Vương Mẫu và Lão Tử, tuy nhiên lúc này vai trò của bà thấp hơn, và gọi ông là Nguyên Thủy Thiên Tôn. Đây là một truyền thuyết phổ biến trong các phân nhánh khác của Đạo giáo.

Đi theo hình tượng biến hóa, dần cũng có nhiều truyền thuyết về tên họ thật của bà, bởi vì "Tây Vương Mẫu" nhìn thế nào cũng chỉ là tên hiệu. Người đời Đường là Đoạn Thành Thức (段成式), sáng tác "Dậu dương tập trở - Nặc cao kí thượng" (酉陽雜俎·諾皋記上) đã viết rằng:「"Tây Vương Mẫu họ Dương, húy Hồi, trị ở Tây Bắc núi Côn Lôn, ngày Đinh Sử chết. Lại có cách nói tên bà là Uyển Cấm"; 西王母姓楊,諱回,治崑崙西北隅,以丁醜日死。一曰婉妗。」. Từ đó "Dương Hồi" cùng "Uyển Cấm" trở thành tên thật của Tây Vương Mẫu trong rất nhiều truyền thuyết.